Câu đố không có lời giải của Trung Quốc: Chấp nhận lạm phát hoặc ô nhiễm do luyện thép

Ngành công nghiệp thép của Trung Quốc là minh chứng cho sự xung đột giữa tăng trưởng kinh tế và chính sách môi trường xanh, là thách thức lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình trong mục tiêu đưa lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc về 0.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đạt đỉnh về phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Hơn nữa, Bắc Kinh còn khẳng định năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong "miếng bánh" năng lượng của Trung Quốc, thay thế bớt nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất là than đá.

Để hoàn hành mục tiêu trên, Chủ tịch Tập Cận Bình đang kêu gọi giảm sản lượng thép từ mức kỷ lục hơn 1 tỷ tấn. Tuy nhiên, những động thái ban đầu nhằm kìm chân các nhà sản xuất thép đã khiến giá kim loại này tăng lên và làm các nhà hoạch định chính sách đau đầu về áp lực lạm phát.

Bắc Kinh siết cung, giá thép được đà tăng mạnh

Sự xung đột giữa các ưu tiên của Bắc Kinh đã thể hiện rõ như ban ngày trong bình luận gần đây của Thủ tướng Lý Khắc Cường, khi ông nhấn mạnh rằng chính phủ cần phải tăng cường kiểm soát thị trường hàng hóa công nghiệp.

Theo Bloomberg, nhà lãnh đạo họ Lý đưa ra lời kêu gọi như vậy sau khi chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 của Trung Quốc tăng mạnh chưa từng có kể từ tháng 7/2018. Nếu tiếp tục, xu hướng này có thể cản trở đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nguồn thạo tin của Bloomberg cho biết, giám đốc cấp cao từ nhiều công ty vật liệu công nghiệp lớn (bao gồm doanh nghiệp ngành thép) đã được triệu tập tham dự các cuộc họp chính phủ để giải trình lý do tại sao giá kim loại công nghiệp tăng cũng như để bàn đối sách.

Từ đầu năm đến nay, các công ty chế biến thép chứng kiến lợi nhuận tăng đột biến. Cổ phiếu của Baoshan Iron & Steel - nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, còn tăng gần 40% trong năm nay, bất chấp chỉ số chứng khoán Trung Quốc giảm xuống.

"Giá thép tăng thì chính phủ Trung Quốc chỉ có thể tự trách mình", ông Atilla Widnell - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Navigate Commodities (Singapore), chia sẻ với Bloomberg. Trung Quốc vừa muốn kiểm soát sản lượng thép vừa bơm kích thích tài khóa để khôi phục kinh tế khiến nhu cầu thép tăng lên thì giá chắc chắn sẽ cao hơn, ông Widnell lý giải.

Thép cuộn - vốn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ chế tạo ô tô đến xây dựng, là sản phẩm thép đắt nhất kể năm 2008 đến nay. Nhôm - một kim loại quan trọng cho chính sách năng lượng xanh, cũng đạt mức cao của nhiều thập kỷ.

Câu đố không có lời giải của Trung Quốc: Chấp nhận lạm phát hoặc ô nhiễm do luyện thép

Trong khi đó, để lạm phát tăng quá nóng là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc vì lạm phát khiến nhu cầu hàng hóa đi xuống, hoặc buộc chính phủ phải hạn chế kích thích tài khóa hoặc tiền tệ mà đây lại là hai công cụ để kích thích tăng trưởng GDP.

Trung Quốc không phân tích chỉ số PPI theo từng ngành cụ thể nên khó biết rõ thước đo này còn tăng vì nguyên nhân nào nữa không. Dẫu vậy, ngành công nghiệp thép vẫn đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế tỷ dân vì nó tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động.

Tuy nhiên, sản xuất thép là một ngành công nghiệp bẩn, buộc lòng Bắc Kinh phải kiềm chế. Song, chính quyền ông Tập phải thận trọng vì những tác động lên giá thép sau khi chính phủ kiểm soát nguồn cung như vừa qua.

Lạm phát hay thép?

Trung Quốc sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới và lĩnh vực này từ lâu đã bị Bắc Kinh nhắm tới vì gây ô nhiễm môi trường dai dẳng. Chính phủ không chỉ chú ý tới khói bụi mù mịt từ các nhà máy luyện thép mà còn quan ngại vì sản xuất thép chiếm đến 15% lượng khí nhà kính mà Trung Quốc thải ra khí quyển hàng năm.

Ông Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Manangemnet (Hong Kong), nhận định: "Sáng kiến trung hòa phát thải nhà kinh sẽ gây áp lực kéo dài lên chỉ số PPI trong những năm tới".

"Tác động về giá sẽ xuất hiện trước ở những ngành công nghiệp bẩn như thép, nhưng khả năng cao là giá của nhiều mặt hàng chế tạo khác cũng sẽ tăng trong quá trình Trung Quốc chuyển đổi từ than sang các dạng năng lượng bền vững", ông Zhang lý giải.

Chính quyền ông Tập Cận Bình đã ra lệnh giảm sản lượng thép ở trung tâm sản xuất thép quan trọng Đường Sơn và tuyên bố sẽ kiểm tra trên toàn quốc nhằm đảm bảo không địa phương nào sản xuất vượt quy định.

Nhà phân tích Tracy Liao của Citigroup dự đoán, chính sách kiểm soát áp dụng tại Đường Sơn có thể lặp lại trên khắp Trung Quốc khi mà chính quyền các tỉnh, thành đang "tích cực thực thi chủ trương giảm nguồn cung thép của Bắc Kinh".

Bình luận gần đây của Thủ tướng Lý Khắc Cường không đề cập đến bất kỳ biện pháp nào để ghìm cương giá hàng hóa. Theo Bloomberg, có lẽ chính phủ Trung Quốc đang xem xét điều chỉnh thuế để nhập khẩu thêm thép từ nước ngoài nhằm bù đắp cho lượng thiếu hụt trong nước. Dù vậy, kế hoạch này có thể không khả thi vì giá thép toàn cầu cũng đang nóng lên.

Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc bị mắc kẹt với một câu đố mà không thể tìm ra lời giải. "Làm sao để giảm sản lượng thép? Tôi nghĩ Trung Quốc không thể", ông Widnell kết luận.

https://vietnambiz.vn